in ,

Tại sao Anime lại hấp dẫn người xem ?

Điều gì khiến dòng phim anime Nhật Bản trở nên phổ biến như vậy?

Manh nha xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ thập niên 1950, trải qua nhiều thập kỷ,anime giờ đây đã vươn ra khỏi Nhật Bản, trở thành một hiện tượng phổ biến toàn cầu. Vậy điều gì khiến anime trở nên phổ biến như vậy? Sức hút của nó là gì?

1. Anime thay đổi khái niệm về “phim hoạt hình”

“Anime” thật ra cũng chỉ là cách người Nhật dùng để phát âm chữ “animation” tức là phim hoạt hình. Như vậy anime có thể hiểu là phim hoạt hình Nhật. Ấy nhưng bản thân anime lại thay đổi hoàn toàn khái niệm “phim hoạt hình”.

Ở nhiều nước phương Tây, Mỹ và ngay cả Việt Nam, khi nhắc đến “phim hoạt hình” chúng ta đều nghĩ ngay đó là một sản phẩm giải trí dành cho trẻ em. Thế nhưng đối tượng khách hàng mà anime nhắm đến lại có phạm vi vô cùng rộng lớn.

Lý giải sức hút của dòng phim anime Nhật Bản

Không lệ thuộc vào quy tắc “dành cho trẻ em”, chủ đề anime truyền tải trở nên rộng lớn hơn và mang nhiều vấn đề trưởng thành hơn. Bản thân nội dung của anime cũng vì thế mà trở nên phức tạp. Sự phức tạp này hoàn toàn trái ngược với yêu cầu “đơn giản dễ hiểu” ở phim hoạt hình thông thường. Và cũng vì vậy mà tuyến nhân vật thường có sự thay đổi theo sự phát triển của cốt truyện.

Điểm này vốn không giống như hầu hết các phim hoạt hình, nơi nhân vật một khi đã được thiết lập cho một tính cách, chúng ta sẽ hiếm khi thấy sự phát triển nhân vật. Ví dụ như ở “Rurouni Kenshin”, ta có thể thấy rõ sự khác biệt của một Kenshin lạnh lùng của thời Mạc Phủ và một Kenshin hiền hòa hay cười ở thời hậu Mạc Phủ. Hay với Dragon Ball, chúng ta được chứng kiến các nhân vật từ lúc nhỏ đến khi lớn lên, có cả gia đình, sự biến đổi về mặt sức mạnh, điều đó cũng tương tự như Sailor Moon. Ở phim hoạt hình ngày trước, đây là một điều rất hiếm thấy.

Những sự khác biệt ấy thay đổi khái niệm phim hoạt hình vốn có. Hay đúng hơn, mọi người dùng chính từ “anime” để phân biệt hẳn với phim hoạt hình, để khi nhắc đến anime mọi người đều nghĩ đến một khái niệm phim hoạt hình khác hẳn.

2. Anime: Sự phá cách trong khuôn mẫu

Tuy vậy, cũng không thể nói rằng anime hoàn toàn khác biệt với phim hoạt hình thông thường. Khi mới hình thành, anime chịu nhiều ảnh hưởng của hoạt hình Pháp, Đức, Nga. Sự thành công vang dội của hãngWalt Disney với phim “Bạch Tuyết và Bảy chú lùn” năm 1937 càng gây nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ với các nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản. Phải cho đến thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, sự phổ biến của manga (truyện tranh Nhật Bản) trong xã hội Nhật mới khiến cho anime chuyển mình.

Từ những năm 1950, manga Nhật bắt đầu phân hóa cho hai đối tượng khán giả là nam và nữ, không còn đơn thuần là dành cho trẻ em. Nhiều bộ manga được chuyển thể thành anime, để từ đó anime cũng bắt đầu phân hóa.

Đến thập niên 1970, sự phổ biến của manga tăng trưởng đột biến, kéo theo là sự phát triển của anime ở trong nước và thậm chí cả nước ngoài. Astro Boy của Osamu Tezuka là một trong những series anime đầu tiên thành công vang dội ở thị trường quốc tế.

Lý giải sức hút của dòng phim anime Nhật Bản

 Astro Boy của Osamu Tezuka – một trong những anime đầu tiên thành công tại thị trường quốc tế.

Sự ảnh hưởng Osamu Tezuka – cha đẻ của manga – với các tác phẩm của mình cũng góp phần thay đổi bộ mặt của anime. Manga của Osamu Tezuka vốn đã rất đa dạng chủ đề, từ sci-fi đến thần thoại, sử thi và thậm chí là triết học, điều đó đã khiến manga không đơn thuần là sản phẩm giải trí dành cho trẻ nhỏ. Sau đó, hàng loạt những mangaka thế hệ tiếp theo bắt đầu cầm bút khai phá tất tần tật những gì họ khai thác được để đưa lên trang giấy.

Anime chuyển thể, nhờ đó cũng thay đổi. Và càng về sau, chính những nhà làm phim anime cũng tự mình khai phá những chủ đề mới mẻ theo cách riêng của mình. Không chỉ gói gọn trong mỗi văn hóa Nhật Bản, những nhà sản xuất còn miêu tả nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới bằng anime. Mononoke Princess, Laputa, Evangelion, series anime Gundam… chính là những ví dụ điển hình.

Lý giải sức hút của dòng phim anime Nhật Bản

Laputa Castle in the Sky – một trong những phim cho thấy anime không chỉ gói gọn trong văn hóa Nhật Bản.

Dường như cứ khoảng mỗi 10 năm, anime lại khoác lên mình những bộ cánh mới. Thập niên 60 là Astro Boy, những năm 1970 chính là Doraemon và Candy Candy, thập niên 80 là thời đại của Gundam, và những năm 90 là Evangelion, Cowboy Bebop cùng Mononoke Princess.

Từ những khuôn mẫu vốn có, các nhà làm phim anime đã chuyển hóa và thay đổi khuôn mẫu ấy để tạo nên một cái khuôn riêng cho mình. Nhu cầu xã hội liên tục thay đổi, những nhả sản xuất cũng chủ động chuyển mình, thậm chí đi trước xu hướng. Từ nội dung cho đến cách sản xuất, anime luôn phá cách trong cái khuôn mẫu của mình, điều đó chính là một điểm hấp dẫn của dòng phim này.

Lý giải sức hút của dòng phim anime Nhật Bản

Doraemon – anime tiêu biểu của thập niên 1970.

Lý giải sức hút của dòng phim anime Nhật Bản

Mobile Suit Gundam 00 (1981) mở ra thời đại của dòng anime Gundam.

Lý giải sức hút của dòng phim anime Nhật Bản

Mononoke Princess – siêu phẩm anime của hãng Ghibli.

Lý giải sức hút của dòng phim anime Nhật Bản

Huyền thoại anime của những năm 1990 – Neon Evangelion Genesis

3. Anime không phải là trò giải trí đơn thuần

Có thể nói anime là sản phẩm giải trí dành cho tất cả mọi người. Ở nó, ta có thể tìm được một thể loại đúng với sở thích. Nhưng với những người thích xem anime, nó không đơn thuần là trò giải khuây qua bữa.

Cái hay của anime chính là bối cảnh có thể siêu thực, những tình huống mà các nhân vật trải qua lại cực kỳ thực tế. Sự kết hợp giữa cái “thực” và cái “không thực” là điều thường thấy ở anime, nhờ đó người xem vừa được thả mình trong trí tưởng tượng, vừa có thể liên tưởng các nhân vật với chính bản thân mình. Các nhà sản xuất đã sử dụng chính điều đó để truyền tải những bài học sâu sắc về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Xem phim hoạt hình, những bài học sẽ được các nhân vật nói rõ ra, nhưng xem anime, bạn phải phân tích, phải suy ngẫm thật nhiều.

Lý giải sức hút của dòng phim anime Nhật Bản

Hình ảnh đẹp, nội dung hấp dẫn lồng ghép nhiều bài học sâu sắc và ý nghĩa là những điểm thu hút của anime Nhật Bản.

Lấy cộng động đam mê anime ở Việt Nam làm ví dụ. Từ cuối những năm 90, các diễn đàn bàn luận về manga-anime đã được hình thành ở nước ta. Tại đó, những người trẻ Việt bàn luận về bộ anime họ yêu thích, chia sẽ những ca khúc trong anime. Ở đó, họ kể nhau nghe cuộc đời họ thay đổi như thế nào nhờ “trò giải trí” này, rằng họ được gây cảm hứng như thế nào, họ học được gì qua đó, rằng nhờ anime họ đã kiếm được những người bạn tri kỷ, và rất nhiều điều anime đã dạy họ và cho họ. Không ít người đã trưởng thành với anime và không ít người trong số họ đã chọn cho mình con đường trở thành một nhà sản xuất phim hoạt hình. Bây giờ khi xem một bộ phim hoạt hình hay một bộ anime nào đó, nếu bạn xem hết dòng chữ credit cuối phim, sẽ thấy không ít những cái tên Việt Nam.

Từng bị ảnh hưởng bởi phim hoạt hình phương Tây nhưng anime đã chủ động thay đổi chính mình, làm nên điều khác biệt, tạo nên bản sắc riêng biệt. Sự độc đáo của nó đã thu hút được biết bao con người từ khắp thế giới và biết bao thế hệ từ nhiều nền văn hóa khác nhau bao năm qua.

Baodatviet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

GIPHY App Key not set. Please check settings

What do you think?

Fudanshi Kōkō Seikatsum, bạn đã nghe về “Hủ nam”?

Sound! Euphonium Season 2 sẽ ra mắt trong cuối năm